Du khách có thể sẽ bị kiểm tra chặt hơn ở sân bay, nhà ga, các sự kiện thể thao, các tụ điểm du lịch. Họ sẽ phải đối mặt với việc xếp hàng dài dặc và kiểm tra giấy tờ nghiêm ngặt.
Du khách nhiều năm đã quá quen với việc du lịch khắp châu Âu mà không phải đợi ở quầy nhập cảnh hay kiểm tra hộ chiếu. Nhưng ngay tuần đầu năm 2016, Thụy Điển và Đan Mạch bắt đầu áp dụng kiểm tra ở biên giới nhằm đảm bảo an ninh.
Bắt đầu từ những năm 1990, 26 nước châu Âu gỡ bỏ kiểm soát ở biên giới, thiết lập vùng đi lại tự do Schengen. Đây là lợi ích đối với ngành thương mại và du lịch, khiến việc đi lại quanh châu Âu dễ dàng như giữa các bang ở Mỹ. Tuy nhiên, những cuộc tấn công khủng bố và làn sóng nhập cư từ Trung Đông và châu Phi khiến các nước châu Âu phải xem xét lại việc này.
Tháng 9 năm ngoái, ước tính khoảng 8.000 người tị nạn vào châu Âu mỗi ngày. Đức áp dụng kiểm tra ở biên giới với Áo, kiểm tra xe cộ trên những trục đường chính và cho ngừng các chuyến tàu để kiểm soát tình hình. Hà Lan cũng bắt đầu kiểm tra hộ chiếu tại biên giới với Đức.
Vào tháng 11, vài giờ sau hàng loạt cuộc tấn công ở Paris, Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố, vì lý do an toàn, biên giới nước này sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, điều này nói dễ hơn làm, vì có hàng trăm con đường vào Pháp từ Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Thụy Sỹ. Chính phủ Pháp sau đó cải chính rằng họ sẽ áp dụng kiểm tra ở biên giới. Các trạm kiểm soát được đặt giữa Pháp và Bỉ.
Trong tuần trước, Thụy Điển áp dụng kiểm tra giấy tờ tùy thân đối với du khách đến từ Đan Mạch, và Đan Mạch cũng làm tương tự với Đức.
Các biện pháp này không nhắm tới đối tượng khách du lịch. Tuy nhiên, việc cho dừng tàu và phải chờ đợi quá lâu ở các điểm kiểm soát trở thành bất lợi.
Theo Jen Alberts, người phát ngôn Tổng lãnh sự quán Đức ở New York, tình hình ở Đức đã sáng sủa hơn. Lộ trình của khách du lịch không bị quá chồng chéo với người tị nạn. Ilse van Overveld, người phát ngôn của Đại sứ quán Hà Lan khẳng định, không có chuyến bay nào đến nước này bị hoãn cả. “Tôi không nghĩ rằng du khách sẽ cảm thấy khác khi đến Hà Lan so với lúc họ đến một năm trước đây”, bà nói.
Tuy nhiên, theo Scott Hume, Giám đốc điều phối an ninh tại Global Rescue, du khách vẫn có thể sẽ bị ảnh hưởng ở các sân bay, nhà ga, các sự kiện thể thao, các tụ điểm du lịch. Họ sẽ phải đối mặt với việc xếp hàng dài dặc và kiểm tra giấy tờ nghiêm ngặt.
Mọi thứ sẽ thay đổi nhanh chóng nếu có thêm một cuộc tấn công khủng bố. Liên minh châu Âu đang xem xét tăng cường lực lượng kiểm soát ngoài biên giới Frontex. Một số chính trị gia đang kêu gọi chấm dứt khu vực đi lại tự do Schengen. Các nhà bình luận của Financial Times, Der Spiegel và một số tờ báo lớn khác dự đoán việc chấm dứt tự do biên giới có thể sẽ diễn ra.
Theo Zing