Bí quyết xin visa du lịch Mỹ tự túc

2215 0

Bạn mong muốn được đặt chân đến Mỹ vì bạn muốn tận mắt chiêm ngưỡng Tượng Nữ thần Tự Do, dạo chơi trên cầu Brooklyn và đón bình minh ở cổng vòm đá Mesa Arch ở Công viên quốc gia Canyonlands. Thế nhưng, vấn đề xin visa lại là một mối lo ngại lớn của bạn. Vậy xin mời bạn khám phá vài “bí quyết” dưới đây để có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình xin visa du lịch Mỹ của mình.

Điều khoản 214(b) Bộ Luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (INA) quy định rằng: “Mỗi ngoại kiều (đương đơn xin visa) sẽ được coi như có ý định định cư cho đến khi đương đơn, vào thời điểm xin cấp visa, thuyết phục được viên chức lãnh sự rằng đương đơn hội đủ điều kiện được cấp visa”.

Vì vậy, để được cấp thị thực du lịch bạn phải chứng minh các điều kiện sau:

(i) Bạn có ràng buộc chặt chẽ với nơi mình cư trú mà không thể từ bỏ;

(ii) Chuyến du lịch của bạn là một chuyến đi ngắn hạn và bạn sẽ rời khỏi Mỹ sau khi kết thúc;

(iii) Bạn có khả năng tài chính phù hợp chi trả mọi chi phí liên quan đến chuyến đi mà không tìm việc làm bất hợp pháp trong thời gian ở Mỹ.

Thông thường, mọi người sẽ chứng minh những điều này qua việc đưa ra những giấy tờ cho thấy họ có một công việc tốt và thu nhập ổn định tại Việt Nam, họ có nhà cửa hoặc có tài khoản tiết kiệm với chín con số trở lên, họ có giấy mời hoặc bảo lãnh từ người thân ở Mỹ, thậm chí có cả công ty riêng với nhiều nhân viên… Tuy nhiên, Đại sứ quán (ĐSQ) hay Lãnh sự quán (LSQ) Hoa Kỳ không đưa ra một danh sách cụ thể nào về những giấy tờ bạn cần nộp để chứng minh hay đảm bảo chắc chắn cho bạn một visa đến Mỹ. Vì vậy, những giấy tờ này chỉ là điều kiện cần, ít nhiều có ảnh hưởng tích cực đến cơ hội được cấp visa của bạn.

Mặt khác, bạn phải thể hiện được sự tự tin, tính trung thực và chính xác khi tham gia phỏng vấn với nhân viên của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam theo cách sau:

Tự tin

shutterstock_123557011

Hãy chuẩn bị cho mình một tâm thế thật tốt trước khi bước đến quầy phỏng vấn: phong thái tự tin, mắt nhìn thẳng và mỉm cười với người phỏng vấn. Bạn hãy nghĩ rằng, nếu được cấp visa, bạn sẽ có cơ hội đi du lịch nước Mỹ, nhưng nếu không được cũng không sao cả, bạn sẽ đi những nước khác hoặc phỏng vấn lại lần nữa nếu vẫn còn muốn đến Mỹ.

Bạn cũng có thể xem cuộc phỏng vấn như một cuộc trao đổi, chia sẻ hay trò chuyện đơn giản với một người bạn mới quen. Đó là một trong số những cách củng cố thêm tự tin cho bạn, giúp bạn thoải mái hơn, thể hiện tốt hơn khi tham gia phỏng vấn để gây được ấn tượng tốt ngay từ câu chào hỏi ban đầu. Hãy nhớ, nếu bạn không hoàn toàn tự tin có thể phỏng vấn bằng tiếng Anh, hãy chọn cách trả lời bằng tiếng Việt, sẽ có người đứng bên cạnh phiên dịch giúp bạn.

Một điều nữa, bạn có thể trò chuyện với những người xung quanh trong lúc chờ đợi, nhưng không nên bị ảnh hưởng tâm lý rồi sinh ra lo lắng bởi những điều họ nói, ví dụ như “còn trẻ hay độc thân thì không xin visa được đâu, giấy tờ đơn giản vậy họ không cấp visa đâu, phải có giấy tờ này giấy tờ kia mới được…” vì ngay cả bản thân họ cũng không thể chắc chắn sẽ được cấp visa hay không. Do đó, tốt hơn hết, bạn cứ tự tin vào sự chuẩn bị của bản thân mình.

Trung thực

2433488179_Truth_xlarge

Đây là điều vô cùng quan trọng. Bạn tuyệt đối không nói dối dù một chi tiết nhỏ vì những người phỏng vấn bạn đều là những người được đào tạo bài bản về tâm lý học nên họ dễ dàng nhìn nhận được bạn có đang nói dối hay che lấp điều gì đó hay không. Và nếu bạn trượt visa vì lý do gian dối thì hầu như bạn không còn cơ hội được cấp visa cho những lần phỏng vấn sau.

Chính xác

rambling1

Những câu hỏi trong quá trình phỏng vấn rất đơn giản, dễ hiểu nên tối kỵ việc trả lời lan man dẫn đến lạc đề hoặc không nghe kỹ câu hỏi nên trả lời sai ý người hỏi. Ví dụ: Bạn đi Mỹ làm gì? Vì sao muốn đến Mỹ? Đã từng đi nước nào rồi? Bạn định ở Mỹ bao lâu? Bạn có người thân ở Mỹ không? Có ý định ở lại không?

Và thông thường, bạn chỉ có 1-5 phút cho một cuộc phỏng vấn, vì vậy, bạn cần phải lắng nghe cho xong câu hỏi và trả lời tập trung vào vấn đề được hỏi sao cho ngắn gọn, chính xác và thuyết phục. Hơn nữa, hằng ngày, các nhân viên ở ĐSQ hoặc LSQ phải phỏng vấn rất nhiều người, nên họ không muốn nghe những câu trả lời dài dòng, sa đà kể lể riêng tư.

Lưu ý

Nếu bạn chưa từng đi du lịch nước nào thì bạn khó có cơ hội được cấp visa Mỹ, vì vậy, bạn hãy tranh thủ đi những nước miễn visa hay dễ xin visa trước, rồi sau đó đến những nước khó hơn để có thêm kinh nghiệm trước khi bạn có ý định xin visa đến Mỹ. Nếu bạn đã từng đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand hay châu Âu, bạn sẽ có ít nhiều lợi thế. Vì vậy, bạn nên mang theo hộ chiếu cũ có dấu hoặc visa nhập cảnh vào các nước này lúc đi phỏng vấn.

Ngoài ra, khi đi phỏng vấn, bạn nên chọn trang phục lịch sự, thoải mái và khiến bạn tự tin nhất. Không cần ăn mặc quá trịnh trọng như áo dài, áo vest vì có thể bạn phải chờ đợi khá lâu trong thời tiết nóng bức, sảnh chờ lại không có máy lạnh. Mặt khác, lối ăn mặc bất thường hoặc trịnh trọng thái quá đôi khi lại không tạo được thiện cảm với nhân viên phỏng vấn.

Không ai có thể trả lời phỏng vấn thay bạn, ngay cả những trung tâm tư vấn hay dịch vụ làm visa. Vì vậy, bạn phải tự trang bị cho mình sự tự tin để trả lời rõ ràng, trung thực và chính xác khi phỏng vấn.

Hội đủ tất cả những yếu tố này, bạn sẽ cảm thấy việc xin visa Mỹ không có gì áp lực và khó khăn. Nếu bạn được cấp visa, nghĩa là bạn có thể chứng minh được và thuyết phục được người phỏng vấn tin vào những điều bạn thể hiện. Nếu bị từ chối cấp visa, bạn cũng đừng nên nghĩ do mình thiếu may mắn, mà hãy tìm hiểu xem nguyên nhân mình còn thiếu sót chỗ nào để khắc phục và quay lại một cách tự tin và thuyết phục hơn ở lần sau.

Theo USIS

In this article

Join the Conversation

%d bloggers like this: